Với những người yêu thích ẩm thực đường phố hay ẩm thực địa phương thì có lẽ đã từng nghe qua về món bánh hỏi lòng heo Bình Định. Bên cạnh chả cá Quy Nhơn hay bánh ít lá gai, nem chợ Huyện,… Thì bánh hỏi cháo lòng cũng là một trong những món ăn đặc trưng và được yêu thích bậc nhất ở nơi đây. Bánh hỏi không giốn như bánh cuốn cũng chẳng giống với bún. Bán hỏi mang lại cảm giác rất giản dị, dân giã.
Bánh hỏi là gì?
Từ món ăn dân dã, bánh hỏi, lòng heo nay trở thành đặc sản của xứ Nẫu Bình Định. Ở thành phố Quy Nhơn, khắp các tuyến đường đều có quán bán bánh hỏi, lòng heo vào mỗi sáng.
Ở quê, bánh hỏi là món ăn sáng của nhiều gia đình. Bánh làm nguyên chất từ gạo, ăn thay cơm không ngán. Những người con Bình Định xa xứ, có dịp về quê lại kéo nhau đi ăn bánh hỏi, lòng heo. Ăn để nhớ vị quê, để sống lại những ngày ở quê êm đềm. Khách phương xa đến, xứ này lại đãi khách bằng món ăn dân dã mà dễ chiều lòng khách.
Cái tên “bánh hỏi” không biết ra đời từ khi nào, ngay cả những người lão làng ở vùng đất này khi hỏi tại sao lại đặt tên là bánh hỏi người ta cũng không giải thích được, nhưng có người kể lại rằng loại bánh này có từ rất lâu, khi mới nhìn ai cũng thấy lạ nên hỏi bánh tên gì, từ đó họ gọi đây là bánh hỏi. Hoặc cũng có thể sợi bánh hỏi có hình dạng giống dấu hỏi nên mọi người đặt tên đó chăng.
Cách làm bánh hỏi rất kỳ công
Cách làm sợi bánh thủ công
Bánh hỏi làm kỳ công. Sợi bánh nhỏ như những sợi chỉ bện chặt vào nhau, mỏng mỏng mà không dính. Theo lời kể của những người thợ làm bánh, ngày trước bánh hỏi được làm kiểu thủ công. Gạo được chọn là gạo ngon của mùa cũ, đem ngâm rồi xay bột. Bột phải xay bằng cối đá cho mịn, chứa trong ang đất để lắng, chắt nước lấy phần bột đặc quánh. Bột được ngâm xay từ ngày hôm trước. Tờ mờ sáng ngày hôm sau, những người thợ tất bật với công đoạn ép bánh.
Bột được cho vào khuôn, người ép dùng sức đè đòn bẩy cho bột chảy qua những lỗ nhỏ ở khuôn thành sợi kết thành bánh. Ở phía dưới chỗ sợi bánh đi ra, một người thợ khác ngồi bắt và xếp bánh, miếng này chồng lên nửa miếng bánh kia. Hoàn thành mọi công đoạn, bánh được cho vào nồi hấp khoảng 10 phút, bánh chín được xếp thành lớp vào giỏ tre.
Bánh hỏi có thể ăn kèm với nhiều thứ
Thứ bánh hỏi có màu trắng đục, dai mềm vừa đủ theo quang gánh của các bà, các mẹ ra chợ. Bánh hỏi ngon phải đi kèm với lá hẹ tươi xắt nhỏ, dầu phi hành trộn đều trên những miếng bánh. Bánh thêm chút dầu hành, lá hẹ, ăn ngon mà không ngán.
Bánh hỏi có thể ăn kèm với nhiều thứ: giò chả, thịt luộc, thịt quay, trứng tráng…, nhưng ngon nhất vẫn là món bánh hỏi lòng heo và thêm tô cháo nóng. Lòng heo được chọn là những bộ lòng tươi, làm sạch, luộc chín. Ruột, tim, gan, cật… đem thái mỏng sắp lên dĩa, rải thêm ít rau thơm, hạt tiêu. Bữa sáng được bày biện là dĩa bánh hỏi, dĩa lòng chín bốc khói, tô cháo nhỏ, rau sống, bánh tráng và chén nước chấm đầy đủ hương sắc. Thưởng thức từng miếng bánh, cuốn với lòng heo chấm vào mắm, ngon tuyệt.
Bánh hỏi xuất hiện khắp các tuyến đường ở thành phố Quy Nhơn
Ở thành phố Quy Nhơn, khắp các tuyến đường đều có quán bán bánh hỏi, lòng heo vào mỗi sáng. Ghé quán vỉa hè, quán cà phê hay vào những nhà hàng sang trọng, thực khách đều có thể thưởng thức món ăn này.
Giá thành cũng dao động từ 15.000đ đến 25.000đ/dĩa bánh hỏi, lòng heo. Những tuyến đường dễ tìm món ăn này là đường Diên Hồng, đường Ngô Mây, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Nguyễn Thái Học. Đi về các huyện, xã, món bánh hỏi đã trở thành món quen. Khắp các tuyến đường quốc lộ đều có quán bánh hỏi, cháo lòng.
Món bánh hỏi ngày nay không còn trong giới hạn ở Bình Định, bánh ngon nức tiếng đi xa. Nhưng bánh hỏi ngon, mềm, dẻo dai vừa đủ vẫn xuất phát từ chính gốc Bình Định.