Hà Nội là trung tâm văn hóa du lịch lớn nhất cả nước, ngoài những công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay như các biệt thự kiểu Pháp, khu phố cổ, di tích chiến tranh,… thì ở phía Tây Hà Nội có một điểm đến cực kỳ hấp dẫn. Đó là làng cổ Đường Lâm, đây là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội còn giữ lại toàn bộ những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Tất cả những nếp nhà cổ, cách sinh hoạt đều y nguyên như làng xóm cổ ở Việt Nam. Cách trung tâm Hà Nội không xa, lại sát cạnh thị xã Sơn Tây cổ kính với nhiều điểm du lịch nổi tiếng, du khách khi đến du lịch phía Tây Hà Nội không thể bỏ qua làng cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm mang dáng vẻ của một ngôi làng cổ với bề dày lịch sử
Làng cổ Đường Lâm là một ngôi làng thuộc thị xã Sơn Tây của Hà Nội. Đây là quê hương của nhiều danh nhân trong lịch sử và nổi danh là vùng đất có hai vua. Hình thành bên hữu ngạn sông Hồng. Làng Đường Lâm cổ kính với nhiều mái ngói đỏ rêu phong, những bức tường đá ong độc đáo, cùng giếng nước, sân đình như đưa du khách về một miền quá khứ tươi đẹp của những ngôi làng Bắc Bộ trước đây.
Làng Đường Lâm cổ nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội có tên nôm là Kẻ Mía. Tục danh này được bắt đầu từ một cái tên chữ: Cam Giá (Mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ. Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng…nay thuộc về huyện Ba Vì. Còn Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm nay thuộc thị xã Sơn Tây.
Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện là mẹ của hai Bà Trưng, bà chúa Mía là người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,… Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Những nét làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay
Qua hai cánh cổng làng đã bạc màu sương gió, nằm dưới bóng một cây đa khổng lồ đã 300 năm tuổi, là những ngõ xóm, đường làng, mái ngói, tường đá ong và các công trình kiến trúc cổ xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước. Trải qua bao thăng trầm, Đường Lâm vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen…
Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, 1703, 1850…. Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván.
Các chi tiết làm nên” linh hồn” của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên. Cổng nhà hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong. Nhà quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên đắp hình long, ly, quy, phượng hay lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi ngôi nhà là một đồ gia bảo, là lịch sử, văn hoá và cũng là nơi thờ tự thiêng liêng của mỗi dòng họ.
Vật liệu và kiến trúc xây dựng độc đáo ở làng cổ Đường Lâm
Đá ong là vật liệu có sẵn tại địa phương do quá trình latêrit hoá tạo nên. Đá ong khi chưa thành khuôn gạch thì mềm dẻo nhưng đẽo lên rồi càng để càng cứng. Không thể xoá được hình ảnh của làng chừng nào từng viên đá ong còn được dựng nhà. Từ xưa đến nay, đá ong ở đây vẫn là thứ sẵn có. Nhưng nó lại là vật liệu quý để xây dựng nên các công trình trong làng. Đặc tính của loại đá này là càng để lâu càng tốt. Khi xây không tốn nhiều công trát, song vẫn đảm bảo cho khối tường dày. Đủ làm mát nhà khi trời nóng, đủ sưởi ấm nhà khi trời lạnh.
Nét riêng nhất chính là kiến trúc làng: những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau nên người làng đi đằng nào cũng về đến nhà. Đường ngõ trong làng đều là ngõ cụt để đề phòng trộm cướp; nhà nào cũng có cửa bí mật và đường tắt ra sân đình. Do khai thác tốt độ dốc, lại không có nhiều nghề phụ. Nên đường đi lối lại ở Đường Lâm rất sạch sẽ và phong quang.
Trọng tâm của làng cổ Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ. Nhìn một cách tổng thể, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi tọa lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đinh, râu rồng toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải. Đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông). Ngôi đình này mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Mường. Với những nét chạm khắc tinh tế có một không hai.
Nhiều giá trị văn hóa nông thôn vẫn còn ở Đường Lâm
Tương truyền, hai giếng ở hai bên đình Mông Phụ là hai mắt của con rồng chột. Vì một giếng nước trong vắt còn giếng kia nước bị đục. Con rồng chột này lại tạo nên vị thế đắc địa cho đình Mông Phụ. Nằm giữa ngã ba trung tâm của làng. Nhưng người đi ngược, về xuôi không ai quay lưng vào đình cả. Sân đình thấp so với mặt bằng xung quanh. Khi trời mưa nước chảy vào sân, theo hai cống tạo thành hình tượng hai râu rồng. Đây chính là dụng ý nghệ thuật đầy chất lãng mạn của các kiến trúc sư cổ.
Hiếm có ngôi làng nào ở xứ Đoài lại nhiều giếng như Đường Lâm. Tại đây, những chiếc giếng công cộng thường được đặt ở giữa các xóm. Để người dân thuận tiện qua lại như giếng xóm Đình, xóm Sải, xóm Giang… Có tuổi đời 4 thế kỷ, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác. Do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.
Đến thăm làng cổ Đường Lâm, chỉ cách Hà Nội 50km. Nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng trước một không gian xưa cũ; trầm lặng của một làng cổ vẫn còn lưu giữ những sắc màu thời gian. Khi bước qua cánh cổng làng, những tất bật, chộn rộn của cuộc sống như bị đẩy lại phía sau.