Phở gần như đã trở thành hình tượng của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Món ăn này thậm chí đã từng làm mưa làm gió trong cuộc thi Master Chef và làm nhiều thí sinh lo lắng vì độ khó của nó. Điều đặc biệt nhất làm nên hương vị của món ăn này là nước dùng; với vị ngọt thanh của nước hầm xương và những gia vị đặc trưng. Món ăn trở nên hài hoà, thanh đạm với sự kết hợp cùng bánh phở và thịt gà hoặc thịt bò; cùng với hành lá và một số loại rau thơm, hành lá đặc trưng đến từ Việt Nam.
Nguồn gốc của phở
Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, có nguồn gốc từ Hà Nội và Nam Định; và được xem là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam); cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt… Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của người dùng.
Phở thông thường được dùng để làm món điểm tâm buổi sáng hoặc lót dạ buổi đêm; nhưng ở các thành phố lớn, món ăn này có thể được thưởng thức cả ngày. Tại các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số vùng miền khác, phở được bày kèm với đĩa rau thơm; như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng; trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở; tuy nhiên tại Hà Nội thông thường sẽ không có đĩa rau sống này. Phở thường là phở bò hay phở gà, nhưng đôi khi cũng có những biến thể khác như phở sốt vang, phở trộn, phở xào,… Theo đó, để có một bát phở ngon và đậm vị, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào kĩ năng của người nấu; trong đó quan trọng nhất đó chính là nồi nước dùng.
Phở trở thành món ăn riêng biệt của Việt Nam
Từ 1 đất nước nhỏ bé, Phở – một món ăn đậm quốc hồn quốc túy của Việt Nam; đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Phở – đã tự tạo cho mình 1 danh từ riêng trong từ điển Oxford của Anh. Làm được điều này, phở không đơn giản là món ăn ngon với câu chuyện ẩm thực; mà còn là câu chuyện về việc lưu giữ tinh hoa, cốt cách của người Việt để vươn ra thế giới.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khởi đầu một ngày mới bằng tô phở bò đặc biệt. Tô phở nóng làm tan cái lạnh trong ngày đông Hà Nội và giúp ông có thêm năng lượng cho một ngày làm việc. Ngay từ lúc ăn tô phở đầu tiên khi đặt chân đến Hà Nội, ông Saadi Salama đã đem lòng yêu phở Việt; và thừa nhận mình là người nghiện phở:
“Lần đầu tiên tôi nhìn người ta ăn phở và thấy thái độ của người ăn đối với món ăn thì tôi quyết định thử xem thế nào. Tôi bắt đầu thử ăn phở, tôi thấy nó quá ngon, quá thú vị. Và từ ngày đó tôi đã đồng hành với phở. Giờ tôi đã trở thành một người nghiện phở. Đối với tôi phở là 1 thức ăn không thể thiếu trong gia đình. Thậm chí, tuần nào không ăn phở là tôi thấy thiếu gì đó”.
Phở trở thành một kỷ niệm
40 năm gắn bó với Việt Nam, gần 20 năm sinh sống ở Hà Nội; ông Salama luôn tin rằng phở chính là 1 cơ duyên níu giữ ông lại dải đất xa về địa lý; nhưng gần về tình cảm đối với quê hương của ông. Phở không còn đơn thuần là một món ăn; Phở trở thành một dấu ấn, một kỷ niệm về Việt Nam đối với những người nước ngoài như ông. “Ở Việt Nam, phở đã trở thành một món ăn đặc trưng và rất nhiều người trên thế giới đều biết đến. Khi người ta đến Việt Nam thì họ cũng sẽ tìm đến chỗ bán phở. Tôi tin chắc rằng, những người được ăn những bát phở ngon; thì họ sẽ mang theo họ một kỷ niệm tuyệt vời để kể lại đất nước Việt Nam, một nền ẩm thực của Việt Nam”.
Phở ra đời cách đây cả trăm năm, là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Phở có mặt ở mọi ngóc ngách của Việt Nam, từ bếp trong nhà ra ngoài phố; từ những quán phở gánh vỉa hè xưa cũ đến những quán phở lớn sang trọng ngày nay. Theo dòng chảy thời gian, phở theo chân người Việt đi khắp năm châu 4 bể; như 1 hành trang tinh thần đậm hồn cốt dân tộc.
Đưa phở mang tầm cỡ quốc tế
Như nhà sử học Dương Trung Quốc ví von, phở là đại sứ Việt Nam thân thiện, gần gũi nhất ở nước ngoài. “Phở đã quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ra thế giới, gặp nhiều hàng phở, có thể chủ nhân là người Việt, cũng có thể là chủ nhân người nước ngoài. Nhưng đặc biệt cái tên không thể nào thay đổi. Vì thế tôi nghĩ rằng, đó là một trong những đại sứ Việt Nam ở nước ngoài; gần gũi nhất thân thiện nhất với mọi người”.
Chính cái tên của phở cũng khiến người ta nhớ mãi. Không có ngôn ngữ nào thay thế cho từ phở và thậm chí nó có mặt trong mọi loại từ điển. Ở Việt Nam, đã có một ngày riêng dành cho phở; dành cho những người yêu thích phở, dành cho người làm ra phở, ngày 12/12. Nhưng làm sao để phở vươn xa hơn nữa, để phở thực sự trở thành “hộ chiếu của ẩm thực Việt”; đó cũng là nỗi trăn trở của những người làm ra phở.
Phở – quà đáng quý trên đời
Ông Nguyễn Kim Hoàng – chủ cửa hàng phở Hà Nội đã mang theo gánh phở của mẹ từ Bắc vào Nam hơn 40 năm qua; cho rằng, với thời cuộc hiện nay, việc đưa văn hóa ra thế giới cũng là 1 phần để khẳng định vị thế của ẩm thực Việt. Ông đã truyền lại cho học trò công thức gia truyền của món Phở xứ Bắc để mang đến nước Australia xa xôi.Chị Vũ Kiều Trang, con gái của nghệ nhân làm phở Phạm Thị Ánh Tuyết, chia sẻ: “Tôi cũng như mọi người Việt, cũng có mong muốn quốc hồn quốc túy của Việt Nam sẽ được mở rộng tới nhiều nước khác và phải được giữ nguyên bản. Tôi sẽ không thay đổi chỉ để chạy theo số đông”.
Nhà thơ Tú Mỡ từng có câu: “Phở – quà đáng quý trên đời – Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi – Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ”. Chính từ những cái giản dị nhưng đậm chất của phở Việt, món ăn này hiện đã ghi danh mình trong thực đơn nhiều nước trên thế giới. Việc đưa bát phở Việt vươn tầm, không đơn thuần là giới thiệu món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà còn gửi gắm tới bạn bè 5 châu về tinh hoa văn hóa và con người của dải đất chữ S./.